Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 NGHÀNH OANH

Go down 
Tác giảThông điệp
Mucdong

Mucdong


Tổng số bài gửi : 14
Join date : 10/09/2009
Age : 34
Đến từ : Huong Son

NGHÀNH OANH Empty
Bài gửiTiêu đề: NGHÀNH OANH   NGHÀNH OANH I_icon_minitimeWed 07 Oct 2009, 11:32

Bậc Cánh Mềm

I. Phật Pháp:
1. Sự tích Đức Phật Thích Ca từ xuất gia đến nhập diệt
2. Nghi thức tụng niệm GĐPT
3. Ý nghĩa lễ Phật và niệm Phật
4. Biết ba mẫu chuyện tiền thân

II. Hoạt Động Thanh Niên:
1. Gút: Dệt, kẻ chài, chèo
2. Truyền tin: Morse, bằng cờ
3. Dấu đi đường: Trở ngại vượt qua, nhanh lên, trở lại đường cũ, hết dấu
4. Cấp cứu: Băng bàn tay, bàn chân bằng khăn tay
5. Thướng thức: Biết xem giờ phút
6. Chơi: Nói cách chơi của hai trò chơi
III. Văn Nghệ:
1. Hát: 3 bài hát mới
2. Kịch: Tùy nghi áp dụng. Ngắn, vui và có tính cách giáo dục
3. Vẽ: Tập đồ
4. Thủ công: Xếp giấy

IV. Nữ công và gia
1. Làm bì thư
2. Đóng vở
3. Xếp tàu thủy
4. Làm lồng đèn xếp:
5. Đo hoa sen
6. Thêu tên gia đình
7. Tập thắt các kiểu nơ
8. Thêu tên vào áo

Lịch Sử Ðức Phật Thích Ca


(Từ Sơ Sanh Ðến Xuất Gia)

Ðức Phật Thích Ca tên thật là Tất Ðạt Ða hiệu là Thích Ca. Ngài con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia ở thành Ca Tỳ La Vệ thuộc xứ Ấn Ðộ.

Thái tử sinh nhằm ngày trăng tròn tháng hai lịch Ấn Ðộ, trong vườn Lâm Tỳ Ni, nơi hoàng hậu Ma Gia đang dạo chơi. Nước ta kỷ niệm Phật Ðản Sinh ngày rằm tháng Tư Âm Lịch. Ngài có ba mươi hai (32) tướng tốt báo trước ngài sẽ xuất gia thành Phật.

Ngài rất thông minh và giỏi về võ nghệ cũng như văn chương nên các bậc thầy đều phải phục.

Mặc dầu Thái Tử sống trong cung điện nguy nga cao sang tuyệt đỉnh, được sự nuông chiều săn sóc đủ mọi điều của Vua cha, nhưng vì thương mọi người, mọi loài đang sống trong cảnh khổ đau bịnh tật, chết chóc nên Thái Tử luôn luôn lộ vẻ u buồn, băn khoăn lo lắng cho việc cứu độ quần sinh.

Thái Tử vâng lời Vua cha cưới nàng Da Du Ðà La làm vợ, và sinh được một người con tên là La Hầu La.

Vua cha biết trước thế nào Thái Tử cũng xuất gia nên ngăn cấm không cho Ngài thấy những cảnh đau khổ. Thế nhưng Ngài khẩn cầu nhiều lần, nên Vua Tịnh Phạn phải cho Thái Tử dạo chơi ngoài thành cho quên buồn. Rồi, chính lúc tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, Thái Tử mới nhìn rỏ cuộc đời là bể khổ: sanh, già, bịnh, và chết.

Sau đó Ngài nhất quyết xuất gia tìm đạo cứu khổ cho chúng sanh. Vào đêm mùng tám tháng Hai Âm Lịch Ngài từ giã vua cha, vợ con và hạnh phúc gia đình để ra đi tìm chân lý cứu độ nhân loại. Lúc ấy Ngài được 19 tuổi.


Bài Sám Hối
Sám hối là tự mình nhận lỗi lầm mình đã làm nên và nguyện sẽ sửa đổi, không tái phạm. Bài Sám Hối Phát Nguyện được chia làm ba đoạn với ý nghĩa của từng đoạn như sau:

1. Ðệ tử kính lạy đức Phật Thích Ca, Phật A Di Ðà, thập phương chư Phật, vô lượng Phật Pháp cùng Thánh Hiền Tăng.

Ðoạn này có nghĩa là: Ðệ tử kính lạy Phật, Pháp, và Tăng.

2. Ðệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm, thành tâm sám hối, thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành, ngữa trông ơn Phật, từ bi gia hộ, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui tu tập, phép Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại.

Ðoạn này có nghĩa là: Nhờ Phật dạy nên con biết được tội lỗi, con xin nguyện sám hối.

3. Ðặng cứu độ các bậc tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo.

Ðoạn này có nghĩa là: Con xin nguyện cứu độ thân bằng quyến thuộc và chúng sanh đều thành Phật.

Bài Sám Hối Phát Nguyện có nghĩa là: Ðứng trước Phật, Pháp, Tăng con xin ăn năn và chừa bỏ tất cả lỗi lầm, nguyện theo lời Phật dạy làm lành, lánh ác, cố gắng tu tập để cứu độ gia đình cùng tất cả chúng sanh đều thành Phật.

1. Ðệ tử kính lạy đức Phật Thích Ca, Phật A Di Ðà, thập phương chư Phật, vô lượng Phật Pháp cùng Thánh Hiền Tăng.

a. Kính lạy: bow down with respect.

b. Thập phương chư Phật: the Buddhas of all places, from all directions.

c. Vô lượng: immeasurable.
2. Ðệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm, thành tâm sám hối, thề tránh điều dữ, nguyện làm việc ngày an vui tu tập, phép Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại.

a. Lâu Ðời Lâu Kiếp: Past Lives.

b. Nghiệp chướng: karmas.

c. Thành Tâm: sincerity.

d. Tham giận kiêu căng: greed and arrogance.

e. Si mê: ignorance.

f. Từ bi gia hộ: compassionately assist.

g. Phiền não: grieves, defilements.

h. Nhiệm mầu: miraculous or supernatural.

i. Minh tâm - Kiến tánh: Pure mind - clearly see through the personality.

k. Luân hồi: "Samsara", cycle (life and death cycle).

l. Trí huệ: wisdom.

m. Thần thông: supernatural power.

n. Tự tại: content.

3. Ðặng cứu độ các bậc tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo.

a. Cứu độ: assist.

b. Tôn trưởng: elders.

c. Thân bằng quyến thuộc: relatives.

d. Chúng sanh: beings

Ý nghĩa bốn lời nguyện

Lời nguyện là lời tự hứa với chính mình và cố gắng thực hiện lời đã hứa. Ý nghĩa của bốn lời nguyện:

1. Chúng sanh không số lượng thệ nguyện đều độ khắp.

Có nghĩa là: Chúng sanh vô số kể, nguyện sẽ cứu giúp cho được tất cả chúng sanh, thoát khỏi vòng sanh tử.

2. Phiền não không cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch.

Có nghĩa là: Phiền não nhiều không kể hết, nguyện với chính mình sẽ dứt bỏ tất cả phiền não.

3. Pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học.

Có nghĩa là: Phật Pháp thì rất nhiều, nguyện với chính mình sẽ cố gắng tu và học tất cả các Pháp môn của đạo Phật.

4. Phật đạo không gì hơn thệ nguyện được viên thành.

Có nghĩa là: Phật là cao cả hơn hết nguyện sẽ đạt thành.

Ý nghĩa bốn lời nguyện: Người Phật Tử chân chính phát nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh, diệt trừ hết phiền não, tu học hết các Pháp môn và tu thành đạo quả.
Hồi Hướng Công Ðức


Hồi hướng công đức là lời nguyện đem công đức tu hành và tụng niệm của mình có được để cứu giúp chúng sanh.

1. Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả.

Nguyện đem công đức tu hành và tụng niệm của mình để san sẻ cho tất cả chúng sanh.

2. Ðệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Tất cả chúng sanh và mình đều đạt được kết quả tốt đẹp, tất cả cùng thành Phật.


Ba Tự Quy


1. Tự quy y Phật xin nguyện chúng sanh thể theo đạo cả phát lòng vô thượng.

Xin phát nguyện quy y Phật và nguyện cùngvới tất cả chúng sanh theo đạo cao cả mà phát tâm rộng lớn.

2. Tự quy y Pháp xin nguyện chúng sanh thấu rõ kinh tạng trí huệ như biển.

Xin phát nguyện quy y Pháp và xin nguyện cùng với tất cả chúng sanh thấu hiểu tất cả kinh sách, trí huệ được lớn như biển cả.

3. Tự quy y Tăng xin nguyện chúng sanh thống lý đại chúng hết thảy không ngại.

Xin phát nguyện quy y Tăng và xin nguyện cùng với tất cả chúng sanh hòa hợp rộng lớn thì không có gì trở ngại cả.

Em Ðến Chùa


Chùa là nơi thờ phượng các vị Phật và Bồ Tát. Ðó là nơi để những người con Phật noi theo gương những vị này học và tu theo phương pháp của Ðức Phật Thích Ca. Nơi đây yên tĩnh, có các Thầy tu học và hướng dẫn Phật Tử giáo Pháp của Ðạo Phật. Nơi đây cảnh trí trang nghiêm không ồn ào náo nhiệt. Ðến chùa lòng em sẽ dịu hiền và hết sầu muộn, bực tức mỗi khi nghe câu kinh, tiếng mõ, tiếng chuông. Lòng em tự nhiên mến Ðạo yêu đời, chăm lo học hành đó là nhờ những tấm gương sáng chói đạo đức của các Thầy, các anh chị Huynh Trưởng và bạn bè.

Ðến chùa em học hỏi được những điều lợi ích để trở thành em ngoan, học trò hiền giỏi và công dân tốt trong xã hội.

Em Niệm Phật


Các em đến với Ðoàn việc trước tiên là các em phải thực hành điều luật thứ nhất của Oanh Vũ:

Em Tưởng Nhớ Phật. Do đó các anh chị Huynh Trưởng hướng dẫn cho các em phương pháp niệm Phật để các em gần Phật. Trước khi niệm Phật các em cần phải biết rõ ý nghĩa và phương pháp niệm Phật:

Niệm Phật Là Gì? Niệm Phật là tưởng nhớ tới danh hiệu của các Ðức Phật, hình dung các tướng tốt và lời dạy của chư Phật để cố gắng noi theo tu học.

Niệm Phật Phải Thế Nào? Khi niệm Phật lòng em phải chăm chú tưởng nhớ chư Phật không nghĩ đến bất cứ một điều gì khác ngoài sự tưởng tượng và hướng về chư Phật.

Có Nhiêu Cách Niệm Phật? Niệm Phật có nhiều cách, có thể niệm lớn, niệm thầm, niệm bằng cách im lặng và tưởng tượng v.v.. Nhưng các em chỉ cần biết hai cách căn bản nhất:

1. Mật Niệm: Niệm thầm không cần phát ra tiếng.

2. Tụng Niệm: Niệm lớn như lúc tụng kinh lễ Phật.

Niệm Phật Có Lợi ích Gì? Muốn cho lòng mình lắng dịu, đừng suy nghĩ xằng bậy, nhớ lời Phật dạy, trí được sáng suốt, tâm nghĩ điều lành, tránh xa điều ác hại mình hại người.

Khi niệm Phật ta cảm thấy được gần Phật, quên buồn phiền và tạo được phước lành về sau.

Phương pháp niệm Phật là để các em luôn luôn nghĩ đến Phật, làm nhiều việc lành, tránh xa việc dữ, tập làm các đức tính của chư Phật và chư Bồ Tát, thể hiện đức tánh của người con Phật để làm phương châm chung cho Ðạo Pháp.

Ý Nghĩa Lễ Phật và Tụng Niệm

I. Lễ Phật: Khi lễ Phật em phải đứng chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Ðức Phật, giữ lòng trong sạch, sau đó em lạy Phật.

Lạy Phật em phải chắp tay, cúi đầu, hai gót chân sát vào nhau, từ từ quỳ xuống ngữa hai bàn tay ra và tưởng tượng như em đang nâng hai bàn chân Ðức Phật rồi cúi lưng xuống đặt trán mình lên hai lòng bàn tay.

Ngày xưa khi Ðức Phật còn tại thế, các đệ tử Phật từ vua quan tới dân chúng khi may mắn gặp Phật đều cúi xuống ôm chân Phật và đặt trán lên chân Phật để tỏ lòng cung kính. Ngày nay ta lễ Phật là làm giống như vậy.

Trước khi lễ Phật ta nên tắm rửa sạch sẽ, đốt hương trầm, sau đó ta đứng ngay ngắn chấp tay trước mặt, nhìn về hình tượng Phật để nhớ đến Ngài và khi lạy ta tỏ ra vui sướng như lúc ta may mắn gặp Phật.

II. Tụng Niệm: Tụng niệm tức là đọc lớn thành tiếng có âm điệu và thành kính những lời Phật dạy trong kinh sách.

Vừa tụng niệm ta vừa tưởng nhớ đến Phật đến những lời Phật dạy.

Những lời dạy của Ðức Phật hay của những vị Bồ Tát là những lời quý báu có thể làm tiêu trừ các tội lỗi diệt lòng ham muốn. Những lời dạy ấy cần phải thuộc lòng và đọc đi đọc lại nhiều lần để ghi nhớ, hiểu biết và làm theo. Do đó ta phải tụng niệm.

Nhờ tụng kinh mà lòng lắng dịu, tránh xa các điều ác, làm việc lành, có lợi cho mình và cho người, cũng như nhắc nhở mình luôn luôn tu học theo lời Phật dạy, sám hối lỗi lầm.



Mẫu Chuyện Đạo

Hoàng Tử Nhẫn Nhục và Hiếu Thảo
Xưa có một vị Hoàng Tử tên là Nhẫn Nhục, tướng tốt, trí thông minh, và giàu lòng thương người. Ðối với cha mẹ Ngài hết sức kính trọng và hiếu thảo không bao giờ Ngài từ chối một việc gì mà có thể làm cha mẹ vui lòng.

Một ngày kia vua cha đau nặng thuốc thang chạy chữa hết phương mà bệnh cũng không lành. Hoàng Tử lo buồn lắm nên Ngài mời các quan trong triều họp lại để xem có ai chỉ cách cứu chữa vua cha. Trong triều có một vị quan gian ác muốn giết chết Hoàng Tử để cướp ngôi sau khi vua mất. Vì thế vị quan gian ác này liền đứng lên thưa rằng:

- "Thưa Thái Tử, bệnh của nhà vua chỉ có một thứ thuốc có thể chữa được nhưng rất khó kiếm". Hoàng Tử vui mừng và hỏi:

- Chẳng hay thuốc ấy là thuốc gì, nếu chữa được cho vua cha lành bệnh thì khó mấy tôi cũng tìm cách kiếm cho được. Vị quan gian ác thưa:

- Ðó là não của một người mà từ nhỏ đến lớn rất có hiếu với cha mẹ và biết thương yêu mọi người. Hoàng Tử nói:

- Vậy não tôi có được không? có thể đem dùng cứu cha tôi lành bệnh không. Kẻ gian thần mừng rỡ nhưng giả bộ làm mặt buồn bả mà thưa rằng:

- Thưa có thể được, còn ai hiếu thảo và giàu lòng thương hơn Ngài. Nhưng chúng tôi chẳng dám làm việc ấy vì Ngài là một người con hiếu thảo và biết thương người làm sao có người đành tâm thấy Ngài hy sinh như vậy được. Hoàng Tử khẳng khái trả lời:

- Nếu tôi chết mà cứu được vua cha thì lòng tôi vô cùng sung sướng, xin ngài đừng lo ngại gì cả.

Nói xong Hoàng Tử truyền lệnh đem cắt đầu mình và lấy não đem hòa thuốc cho vua cha uống. Lòng hiếu thảo của Hoàng Tử động đến trời đất nên chén thuốc hóa ra hiệu nghiệm, và sau khi uống xong, vua cha liền lành bệnh ngay.

Hoàng Tử Nhẫn Nhục là một kiếp trước của Ðức Phật Thích Ca.

Người Lành Ít Có
Ngày xưa, có một chàng trai bề ngoài có vẻ tiều tụy nhưng lại rất thông minh và có phép thuật nên hiểu được tiếng nói của các loài chim muông.

Chàng tìm đến một nơi thanh tịnh để tu học, nhưng ý muốn bất thành nên chàng phải đem thân đi ở mướn với một kẻ giàu có, làm nghề bán hàng dạo khắp nơi để sinh sống.

Một hôm người chủ và chàng dừng chân dưới một gốc cây lớn để nghỉ mát và dùng cơm trưa. Bỗng một bầy quạ từ đâu bay tới đậu đầy cây và kêu la om sòm. Chàng trai nghe đàn quạ kêu chỉ ngồi cười không nói gì cả. Ðiều đó làm cho người chủ lấy làm lạ, nhưng không nói gì cả.

Tối đến, người chủ gọi chàng trai đến hỏi chuyện ban trưa:

- Này em, hồi trưa tại sao khi nghe quạ kêu em lại cười.

Nghe người chủ hỏi chàng trai thưa thật rằng:

- Thưa ông, nhờ có học phép nên tôi biết rõ tiếng kêu của đàn quạ, chúng đói muốn ăn thịt ông mà chẳng biết làm sao, chúng xúi tôi giết chết ông, trước để đoạt viên ngọc quý trong túi ông và sau chúng ăn thịt ông cho đỡ đói.

Nghe xong người chủ cả kinh nhưng thấy chàng trai thật thà nên trong bụng bớt lo, liền gạn hỏi:

- Nếu biết vậy tại sao em không giết tôi để lấy viên ngọc quý mà làm giàu?

Chàng trai vội vàng đáp rằng:

- Thưa ông, ngọc quý và tiền bạc của ông không phải mồ hôi nước mắt của tôi tạo nên, giết người đoạt của là một việc làm tàn ác. Hơn nữa lâu nay ông giúp đỡ tôi, lẽ nào vì lòng tham lam mà tôi quên mất tình nghĩa.

Nghe xong người chủ hết lòng kính phục, từ đó nuôi nấng chàng trai như em ruột, cho nhiều của để làm kế sinh nhai.

Chàng trai trọng mạng khinh tài trên đây là tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.


Thỏ Mến Ðạo
Ngày xưa có một con thỏ rất thông minh và ngoan ngoãn. Ngày đêm thường quanh quẩn bên một Ðạo Sĩ tu hành trong rừng để nghe giảng kinh kệ. Thường ngày thỏ đi kiếm hoa quả về dâng cho Ðạo Sĩ đúng vào giờ ngọ.

Ðược ít lâu bỗng nhiên trời đổi khí hậu, gió mưa tầm tã lạnh đến tận xương nên hoa quả đều thúi rụng hết. Thỏ đi kiếm khắp nơi nhưng không có thức ăn để dâng cho Ðạo Sĩ. Vì thế Ðạo Sĩ phải chịu đói rét, chịu cực khổ. Ngài định thu dọn đồ đạc trở về chùa một thời gian rồi sẽ lên rừng tu luyện lại trong mùa Xuân tới.

Biết được ý định của Ðạo Sĩ thỏ vô cùng buồn bả vì nếu Ðạo Sĩ đi rồi thì thỏ ở lại một mình không ai giảng cho thỏ nghe câu kinh tiếng kệ để tu học. Thỏ nghĩ bụng rằng lâu nay Thầy ta thường ngày giảng dạy ta, bây giờ Thầy gặp cơn hoạn nạn thế này mà ta không cứu giúp thì còn gì buồn tủi cho bằng.

Nghĩ xong thỏ chạy biến vào rừng để kiếm thức ăn nhưng không tìm đâu ra được thức ăn. Thỏ buồn bả trở về nói với Ðạo Sĩ rằng:

- Thưa ngài con đã kiếm được thức ăn xin ngài nhóm lửa lên để nướng thức ăn con vừa kiếm được.

Ðạo Sĩ nghe theo lời thỏ, lấy củi nhóm lửa. Khi ngọn lửa bốc cao đỏ rực thì con thỏ lanh lẹ lao vào lửa mà thưa rằng:

- Món ăn chính là con đây xin ngài dùng cho đỡ đói.

Ðạo Sĩ hoảng hồn vội ôm thỏ đem ra và hỏi thỏ tại sao lại làm như vậy.

Thỏ sụt sùi thưa rằng:

- Con mang ơn Ngài quá nhiều, ngày nay gặp cơn đói rét ngài phải tạm rời bỏ nơi này lòng con không yên, nên con xin hiến thân con để ngài dùng cho qua ngày khỏi bỏ dỡ việc tu hành.

Ðạo Sĩ nghe thỏ nói lấy làm cảm động, thương mến thỏ hơn xưa và bỏ ý định trở về chùa, ở lại rừng tu hành không sợ đói khát cực khổ.

Con thỏ mến đạo này là tiền thân của đức Phật Thích Ca.

Bậc Chân Cứng


I. Phật Pháp:
1. Tập đánh chuông mỏ
2. Ý nghiã áo màu lam
3. Ý nghĩa cách chào
4. Sáu phép hòa kính
5. Biết ba mẫu chuyện đạo
II. Hoạt Động Thanh Niên:
1. Gút: Ghế đơn, cẳng chó
2. Truyền tin: Truyền tin Morse bằng còi
3. Dấu đi đường: Trại phía này, nước uống được, nước độc, rẽ hai, nhập một
4. Cấp cứu: Biết dùng thuốc đỏ, ống đếm giọt, địa chỉ một Bác sĩ, điện thoại cấp cứu, phương thức cầm máu.
5. Chơi: Điều khiển một trò chơi nhỏ

III. Văn Nghệ:
1. Hát: Biết thêm ba bài hát. Điều khiển dàn hát
2. Kịch, múa: Tuy nghi áp dụng nhưng phải có tính cách giáo dục
3. Vẽ, Thủ công: Dùng viết chì vẽ cờ Phật giáo, cắt và dán
4. Làm văn: Tập viết thư, nhật ký Đàn, Đoàn

IV. Nữ công gia chánh:
1. Thêu tên gia đình
2. Vẽ hoa sen
3. Cắt và dán hoa sen
4. May khăn tay
5. Nhen lửa
6. Nấu nước
7. Sắp đặt đồ đi trại
8. Cắt giấy hoa

Lịch Sử Ðức Phật Thích Ca
(từ Xuất Gia đến Nhập Diệt)

Nửa đêm mùng Tám tháng Hai, Thái Tử Tất Ðạt Ða cùng người hầu cận là Xa Nặc cởi ngựa Kiền Trắc vượt cửa thành ra đi. Ðến sông A Nô Ma, Ngài xuống ngựa, cắt tóc, cởi đồ trang sức giao cho Xa Nặc mang về cung báo cho Vua Tịnh Phạn biết ý định đi tìm Ðạo giải thoát cho chúng sanh của Thái Tử. Trên đường đi gặp người thợ săn Thái Tử cởi áo mình đổi lấy quần áo của người thợ săn, cương quyết từ giả cảnh đời xa hoa, vương giả.

Trước hết Thái Tử tìm hiểu và tu những Ðạo đang có ở trong nước, tìm xem Ðạo nào là chân chánh giải thoát cho tất cả chúng sanh. Ðến thành Vương Xá, rừng Bạt Già Thái Tử hỏi Ðạo của các vị Tiên tu khổ hạnh, để được lên các cõi trời, nhưng nhận thấy chưa phải là Ðạo chân chánh giải thoát. Ðến phía Bắc thành Tỳ Xá Lỵ Thái Tử hỏi Ðạo ông A La La tu để lên cõi trời Vô Tưởng nhưng Ngài cảm thấy cũng chưa phải là Ðạo giải thoát. Rồi Ngài đến hỏi Ðạo ông Uất Ðầu Lam Phất, tu để sanh về cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ; Thái Tử đã tu theo và chứng được, nhưng Ngài cũng nhận rằng cõi ấy chưa phải là cảnh giải thoát.

Sau ba lần hỏi Ðạo Thái Tử nhận thức rằng các Ðạo hiện hành không có Ðạo nào là chân chánh giải thoát, Ngài nghĩ phải tự mình tu tập mới tìm rõ Ðạo chân chánh. Ðến rừng Ưu Lâu Tần La, phía Nam núi Tượng Ðầu, bên sông Ni Liên Ngài cùng năm anh em ông Kiều Trần Như tu khổ hạnh. Trong sáu năm Ngài cương quyết ép xác mình cho đến mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo hoặc một hạt mè mà thôi. Ðến một ngày kia thân xác Ngài tiều tuỵ té xỉu chết giấc. Lúc ấy có một người đàn bà tên Tu Xà Ðề thấy Ngài nằm dưới gốc cây liền mang sửa đến dâng. Khi tỉnh dậy, Ngài hiểu rằng tu khổ hạnh chưa phải là Ðạo giải thoát. Ngài xuống sông Ni Liên tắm rửa sạch sẽ, rồi đến gốc cây Bồ Ðề trải cỏ làm nệm, ngồi tọa thiền và thề rằng: "Nếu ta không chứng Ðạo giải thoát cho chúng sanh thì thề trọn đời không rời khỏi cây Bồ Ðề này."

Trong lúc Ngài định tâm tu tập các Ma Vương sợ Ngài thành Ðạo sẽ giác ngộ cho muôn loài bèn rủ nhau đến tìm cách phá Ngài, nhưng Thái Tử quyết tâm tu tập đã thắng tất cả những sự phá phách của Ma Vương. Sau bốn mươi chín (49) ngày tu tập dưới gốc cây Bồ Ðề, đến đêm mùng Tám tháng Mười Hai Thái Tử chứng Ðạo vô thượng, thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Ðức Phật Thích Ca đến vườn Lộc Uyển thuyết Pháp Bốn Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo) cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh là nhóm Kiều Trần Như, và họ trở thành đệ tử Phật, từ đó mới có đủ ba ngôi báu là Phật, Pháp, và Tăng.

Ðức Phật thuyết Pháp và giáo hóa chúng sanh hơn bốn mươi chín (49) năm, Ngài độ cho vô số đệ tử giàu nghèo sang hèn đủ mọi tầng lớp. Trong lúc còn tại thế Ngài đi thuyết Pháp trong chín (9) tháng nắng ở xứ Ấn Ðộ, còn ba tháng mưa thì ở lại tịnh xá để chuyên tu.

Biết mình sắp nhập Niết Bàn, đêm trăng tròn tháng hai Ấn Ðộ, Ngài tụ tập các hàng đệ tử tại xứ Câu Ly, rừng Xa Nại, treo võng nơi hai cây Song Thọ, giảng dạy khuyên bảo lần cuối, trao y bát cho cho đệ tử là ngài Ca Diếp để tiếp tục truyền Ðạo, rồi từ giã mọi người mà nhập Niết Bàn. Ngài hưởng thọ tám mươi (80) tuổi.


Cách Thức Sử Dụng Chuông Mõ

Chuông mõ giúp cho buổi lễ Phật, tụng kinh được trang nghiêm, đều đặn và tạo được sự thành kính và thanh tịnh. Muốn đạt được ý nghĩa trên cần phải đánh chuông mõ thật đúng cách.

I. Trước Khi Lễ:

A. Hai đoàn sinh được chỉ định thủ chuông mõ vào chánh điện lau chùi, dọn dẹp bàn thờ Phật, Bồ Tát, Tổ cho sạch sẽ và ngăn nắp, đốt nến, thắp hương cho mỗi lư hương, và thắp riêng ba nén hương dành cho vị chủ lễ.

B. Hai đoàn sinh thủ chuông mõ đứng đối diện nhìn thẳng nhau chứ không nhìn vào bàn Phật, nhìn vị chủ lễ để theo dõi khi đánh chuông mõ.

C. Ðánh một tiếng chuông thong thả để tất cả đoàn sinh và Huynh Trưởng vào chánh điện, tất cả ngồi tịnh tâm đợi vị chủ lễ vái Tổ xong.

D. Ðánh một tiếng chuông cho tất cả đứng dậy chắp tay ngay ngắn, vị chủ lễ lễ Phật ba lạy.

II. Trong Khi Lễ:

A. Niệm Hương, cử bài Trầm Hương Ðốt, Tán Phật, Ðảnh Lễ:
1) Ðánh một tiếng chuông sau mỗi bài niệm hương, tán Phật.
2) Trong khi hát bài Trầm Hương Ðốt, đánh một tiếng chuông trước khi chấm dứt mỗi câu niệm "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật".
3) Sau mỗi câu Ðảnh Lễ đánh một tiếng chuông, tất cả đều lạy.

B. Khai Chuông Mõ:
- Chuông: 3 tiếng rời 0 0 0
- Mõ: 7 tiếng (4 tiếng rời, 2 tiếng liên tiếp, 1 tiếng rời) X_X_X_X_XX_X
- Chuông mõ: 1 tiếng chuông,1 tiếng mõ 3 lần 0 X_0 X_0 X
- Mõ: 1 tiếng rời, 2 tiếng liên tiếp, 1 tiếng rời X_XX_X

C. Tụng Bài Sám Hối:
- Mõ: đánh tiếng thứ hai (tử), bỏ tiếng thứ ba (kính), đánh tiếng thứ tư (lạy) rồi tiếp tục đánh từng tiếng bắt đầu tiếng thứ năm (đức) trở đi.
- Chuông: đánh một tiếng sau khi đọc câu "Thành Tâm Sám Hối".
- Mõ: đánh thúc hai tiếng trước khi chấm dứt bài "Sám Hối Nguyện"
- Chuông: đánh một tiếng sau khi chấm dứt bài "Sám Hối Nguyện"

D. Tụng Danh Hiệu Phật và Bồ Tát:
- Mõ: đánh từng tiếng từ đầu và hơi nhanh hơn bài "Sám Hối Nguyện"
- Chuông: trước khi dứt mỗi danh hiệu đánh một tiếng chuông.

E. Tụng Bài Chú:
- Mõ: đánh nhanh hơn khi tụng các bài chú.
- Chuông: đánh một tiếng trước khi chấm dứt bài chú.

F. Tam Tự Quy:
- Mõ: đánh thong thả (chậm).
- Chuông: đánh một tiếng trước khi chấm dứt mỗi câu Tự Quy Y.

G. Hồi Hướng:
- Mõ: đánh thong thả (chậm).
- Chuông: đánh một tiếng trước khi chấm dứt bài "Hồi Hướng Công Ðức"

H. Ðọc Các Ðiều Luật:
- Mõ: xong bổn phận không đánh nữa.
- Chuông: đánh một tiếng khi xong các điều luật của Oanh Vũ và một tiếng khi xong các điều luật của ngành Thanh, Thiếu, và Huynh Trưởng.
- Chuông: đánh 3 tiếng chuông chấm dứt buổi lễ Phật.
- Chuông: vị chủ lễ đánh chuông (3 lần) để hai đoàn sinh thủ chuông mõ lễ Phật (3 lạy).

III. Sau Khi Lễ:

A. Hai đoàn sinh thủ chuông mõ thâu kinh, sắp gọn gàng vào vào tủ kinh.

B. Hai đoàn sinh thủ chuông mõ tắt nến, dọn dẹp bàn thờ trước khi ra ngoài.

Ý Nghĩa Chào Kính Của Gia Ðình Phật Tử

Gia Ðình Phật Tử dùng ấn Cát Tường để chào nhau khi mặc đồng phục. Chào theo lối này để biểu lộ tinh thần đoàn kết, tinh thần kỷ luật và sự hòa hợp của tổ chức Gia Ðình Phật Tử.

Cách bắt ấn Cát Tường: Người chào đứng thẳng, mặt hướng về nguời mình chào, tay phải gập lại, cánh tay song song với thân người, lòng bàn tay hướng về phía trước, cùi chỏ gần sát thân người và ngang hàng với tầm lưng, đừng quá ra phía sau hay phía trước, các ngón tay khép vào nhau, ngón tay cái đè lên ngón đeo nhẫn (ngón áp út) trong khi ngón này gấp lại, mủi bàn tay ngang tầm vai. Tay trái xuôi theo người. Người được chào phải chào lại người chào mình.

Ngoài ra chào theo lối bắt ấn Cát Tường còn có mục đích nhắc nhở chúng ta lắng lòng cho trong sạch, giữ vững niềm tin Phật, nhớ lời Phật dạy, tránh dữ làm lành.

Chính đức Phật thường dùng ấn này để phóng hào quang cứu độ chúng sanh.

Các phương cách chào kính trong Gia Ðình Phật Tử:

1. Chào nhau khi gặp mặt lần đầu tiên trong ngày, người nhỏ chào người lớn trước.
2. Khi đi từng đoàn gặp anh chị trưởng chỉ người hướng dẫn chào mà thôi.
3. Khi gặp đám tang tất cả đều chào một lần.
4. Khi chào cờ Ðoàn chào một lần, lúc hát bài ca chính thức Ðóa Sen Trắng không chào.
5. Khi gặp chư Tăng Ni chắp tay vái chào, đi từng đoàn người hướng dẫn chào chư Tăng Ni.
6. Khi gặp quý Bác trong khuôn hội, Phật Tử lớn tuổi, anh chị trưởng mặc thường phục vòng tay cuối đầu chào.

Giữ yên lặng trong khuôn viên chánh điện Chùa để tỏ lòng thành kính.

Sáu Phép Hòa Kính

I. Ðịnh Nghĩa:

Sáu phép Hòa Kính là chung hòa thành từng đoàn và sống đúng theo tinh thần lục hòa, là sáu nguyên tắc căn bản để các bậc xuất gia sống hòa hợp với nhau.

A. Thân Hòa Ðồng Trú: Cùng chung một việc làm, sống chung một chỗ với nhau, đoàn kết và xem nhau như anh em ruột thịt. Như các vị xuất gia cùng sống chung một chùa và bao giờ cũng đồng chung công việc làm với nhau.

B. Khẩu Hòa Vô Tranh: Không dùng lời nói thô ác, cải mắng nhau mà sinh ra giận hờn. Có điều gì không đồng ý, thì cùng nhau lấy lời hòa nhã giải thích cho nhau đồng hiểu.

C. Ý Hòa Ðồng Duyệt: Nghĩa là ý kiến dung hòa với nhau, không có mỗi người mỗi ý, làm việc gì cũng phải hỏi ý kiến với nhau, sau khi thỏa thuận rồi mới thi hành.

D. Giới Hòa Ðồng Tu: Luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau và đồng tuân theo giữ gìn giới luật.

E. Lợi Hòa Ðồng Quân: Những quyền lợi gì có được thì phải đồng chia đều với nhau, không có kẻ ít người nhiều.

F. Kiến Hòa Ðồng Giải: Mọi sự hiểu biết đều phải giải thích cho nhau cùng hiểu, cùng học chứ không phải giữ lấy riêng một mình.

II. Kết Luận:

Ðức Phật đã đặt ra sáu phép Hòa Kính nầy làm nguyên tắc cho các bậc xuất gia chung sống với nhau, đem sự hòa đồng trong chúng để cùng nhau sống theo lời dạy của Ðức Phật, tinh tấn trên con đường giải thoát và giác ngộ. Chúng ta là những Phật Tử, phải luôn luôn cố gắng sống theo tinh thần Lục Hòa hầu tinh tấn trên đường tu học.


Chuyện Tiền Thân

Chiếc Cầu Muôn Thuở

Trong một khu rừng xanh tươi thuộc núi Hy Mã Lạp Sơn, xứ Ấn Ðộ, có một cây xoài khổng lồ mọc cạnh bờ sông Hằng.

Trên cây, có một đàn vượn cả ngàn con họp thành một quốc gia riêng biệt, do một vượn chúa thân hình đẹp đẽ, sức mạnh phi thường đứng đầu. Ðến mùa xoài trổ trái to, thơm, ngon đó là lương thực đủ dùng cho cả quốc gia vượn.

Vượn chúa cẩn thận lắm, nó ra lệnh cho tất cả bầy vượn ăn hết trái xoài khi xoài còn xanh, không được đợi xoài chín, cả đoàn vâng lời làm theo. Nhưng rủi thay, một chuyện không may xảy đến. Một trái xoài to bị tổ kiến che lấp nên dần dà chín mùi rồi rụng xuống sông trôi theo giòng nước. Nước cuốn trái xoài chín vào trong hồ bơi của Vua xứ Ba La Nại, gặp đúng lúc nhà Vua đang tắm. Ðược quả xoài to chín thơm nên nhà Vua ăn thử lấy làm thích thú và hôm sau ra lệnh cho quân lính chèo thuyền theo dòng sông đi tìm chỗ cây xoài mọc.

Sau ba ngày mệt nhọc nhà Vua và quân lính tìm được cây xoài vĩ đại ấy và nhìn thấy trên cây đàn vượn đang chuyền cành. Nhà Vua tức giận ra lệnh tàn sát đàn vượn đã hổn xược ăn hết xoài chín ngon trước nhà Vua.

Nhưng trời đã sẩm tối, quân lính phải bao vây chờ hôm sau mới ra tay.

Ðêm đó đàn vượn vô cùng hoảng sợ. Riêng vượn chúa lại rất bình tỉnh, nó lén đến cành cây ngã về phía dòng sông, lấy hết sức phóng qua khỏi bờ bên kia. Vượn chúa tìm được những đoạn dây và hết sức vui mừng nối lại rồi buộc một đầu vào gốc cây còn đầu kia buộc vào thân mình. Ðoạn vượn chúa dùng kết sức lực phóng về phía cành xoài với mục đích bắt thành chiếc cầu dây cứu đàn vượn. Rủi thay sợi dây ngắn một đoạn nên khi hai chân trước vừa bám được vào cành cây thì dây đã căng thẳng và chính thân của vượn chúa nối thế một đoạn dây.

Vượn chúa ra lệnh cho cả đoàn vượn lần lượt sang sông. Bầy vượn ngần ngại vì phải dẫm lên mình vượn chúa. Nhiều con cảm động khóc nhưng tình thế bắt buộc đành phải trốn thoát sang sông. Con vượn cuối cùng khá lớn tên là Davadatta vốn ganh ghét vượn chúa nên nó dẫm mạnh lên mình của vượn chúa. Vượn chúa đau đớn gần muốn chết nhưng vẫn cắn răng chịu đựng để cứu con vượn gian ác ấy qua sông thoát chết.

Qua được sông rồi, con vượn Devadatta nhìn lại lấy làm ân hận, rơi hai giòng lệ vì thấy vượn chúa lông lá tơi bời không cử động được nữa.

Sáng dậy vua Ba La Nại truyền lệnh tiến quân, nhưng tất cả đều lấy làm lạ vì trên cây không còn con vượn nào cả. Nhìn lại chỉ thấy một chiếc cầu dây bắt ngang sông, từ mình một con vượn lớn. Các thợ rừng cho biết dó là con vượn chúa. Bấy giờ nhà Vua mới hiểu thấu đầu đuôi và tĩnh ngộ. Ngài nghĩ đến sự ích kỷ của mình chỉ vì những trái xoài mà định gây nên sự tàn sát thảm khốc. Ngài liền ra lệnh lui quân và tự tay vuốt ve săn sóc cho đến khi tĩnh lại.

Sự hy sinh của vượn chúa làm cho nhà Vua hối cải sửa đổi cách trị dân và làm lành tránh ác.

Vượn chúa là tiền thân của đức Phật Thích Ca.

Chuyện Tiền Thân: Con Voi Hiếu Nghĩa

Ngày xưa ở xứ Ba La Nại có một vị Vua thường dẫn lính vào rừng săn bắn. Một hôm nhà Vua thấy một con voi trắng tuyệt đẹp, vua bắt về sai lính trông nom cẩn thận và lo cho ăn uống sung sướng.

Nhưng kể từ khi bị bắt, voi chỉ khóc đầm đìa không chịu ăn uống. Tên lính trông nom liền trình lên nhà Vua điều ấy. Vua liền tự mình đến chuồng và hỏi voi tại sao không ăn uống mà cứ khóc mãi như thế.

Voi liền quỳ xuống thưa rằng:

- Tâu bệ hạ, tôi còn cha mẹ già ở rừng xanh không thể đi kiếm ăn được, chỉ trông cậy vào mình tôi. Nay tôi sa cơ bị bắt, cha mẹ tôi chắc sẽ chết đói. Thà tôi chịu chết còn hơn sống mà không làm tròn hiếu đạo.

Nghe xong nhà Vua động lòng thương mến thả cho voi về rừng. Voi quỳ xuống tạ ơn và hứa sẽ trở lại hầu hạ Vua sau khi nuôi dưỡng cha mẹ già đến khi qua đời. Xong voi vội vã chạy về rừng, nơi cha mẹ ở.

Mười hai năm sau, khi Vua đang ngự tại triều, bỗng thấy con voi năm trước trở lại, thân thể gầy còm. Voi quỳ xuống thưa với nhà Vua là cha mẹ voi đã qua đời. Nhớ lời hẹn xưa voi trở về hầu hạ Vua.

Nghe xong Vua khen con voi có hiếu nghĩa, biết giữ lời hứa nên sai người trông nom con voi quý đến già chết.

Con voi ấy là tiền thân của đức Phật Thích Ca.

Mẫu Chuyện Ðạo: Thầy Tỳ Kheo với Con Ngỗng

Một Thầy Tỳ Kheo mang bình bát ghé một nhà giàu có để khất thực. Bà chủ nhà đang trò chuyện vô ý đánh rơi chiếc nhẫn xuống sàn nhà. Lúc đó có một con ngỗng đi qua và nuốt ngay chiếc nhẫn vào bụng. Khi chủ nhà biết mất chiếc nhẫn liền hỏi Thầy Tỳ Kheo có thấy rơi chỗ nào không, nhưng Thầy Tỳ Kheo vẫn im lặng không trả lời.

Sanh nghi Thầy Tỳ Kheo nhặt và giấu chiếc nhẫn quý nên chủ nhà nhiếc mắng thậm tệ và đánh đập, nhưng Thầy Tỳ Kheo vẫn im lặng chịu đau không nói gì cả.

Một lúc sau người nhà báo tin con ngỗng tự nhiên ngã ra chết. Bấy giờ Thầy Tỳ Kheo mới chậm rãi nói rằng:

- Hồi nãy tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn của bà chủ. Chủ nhà cho người mổ ruột ngỗng và quả nhiên tìm thấy được chiếc nhẫn đã bị mất.

Quá hối hận, chủ nhà liền sụp lạy Thầy Tỳ Kheo và lễ phép thưa rằng:

- Trước đây Thầy thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn, tại sao Thầy không cho con biết, con hỏi nhiều lần Thầy vẫn im lặng đến nỗi con xúc phạm đến thế, mà Thầy vẫn không trả lời?

Thầy Tỳ Kheo chậm rãi nói:

- Thà tôi bị nhiếc mắng, bị đánh đập mà giữ được đạo hạnh chứ nếu tôi nói cho bà biết thì con ngỗng ẽ bị sát hại, việc ấy không bao giờ kẻ tu hành dám làm.
Về Đầu Trang Go down
 
NGHÀNH OANH
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» NGHÀNH OANH
» THI CHUNG KẾT TIẾNG HÁT OANH VŨ
» Cử chỉ nhân từ của chim oanh vũ
» [i][i][size=18]NGÀNH OANH VŨ[/size][/i][/i]
» THI TIẾNG HÁT NGÀNH OANH VŨ TỔ CHỨC TẠI HỘI AN

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC-
Chuyển đến